NGUYỄN XUÂN LÝ
Cổng thông tin điện tử Sở Thông Tin Truyền Thông tỉnh Bình Thuận
Trong năm 2013-2014 đã có 2 đợt khai quật khảo cổ học tại nhóm đền tháp Pô Dam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong để tìm mặt bằng nguyên thủy (từ thế kỷ thứ 8) và những thành phần kiến trúc đã bị sạt đổ, mất mát theo thời gian (hơn 1300 năm qua), nhằm nghiên cứu quy hoạch tổng thể trước khi tiến hành việc trùng tu, tôn tạo tiếp theo.
Nội dung khai quật khảo cổ học do Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) và Sở Văn hóa & Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận thực hiện trong toàn bộ khuôn viên của nhóm đền tháp.
Kết quả khai quật
Cuộc khai quật đã làm xuất lộ các kiến trúc cổ đã bị thời gian tàn phá, kể cả một số đền thờ từ thế kỷ thứ 15; xuất lộ phế tích tháp Nam – kiến trúc dạng Nhà dài phía Nam, và xuất lộ cầu thang gạch cùng lối kiến trúc cổ dẫn lên nhóm tháp Nam. Kết quả khai quật còn phát hiện được khối lượng rất lớn di vật các loại đá, gốm, đất nung, kim loại.
Trong số những di vật phát hiện được, nổi bật có :
+ chiếc thước bằng đồng;
+ bia đá khắc chữ Phạn cổ (Sanskrit, niên đại 710 SCN) có khắc nội dung xây dựng và thờ phụng Vị thần tại tháp;
+ một bệ Yoni bằng đá bị vỡ thành nhiều mãnh, một bàn nghiền (pesani – rasun batau) có hình dáng rất khác lạ (so với loại bàn nghiền thường thấy trong các di tích văn hóa Champa);
+ một bộ sưu tập nhạc khí bằng đồng, gồm các loại chuông, chũm chọe, lục lạc đồng, … (là dấu tích xưa của những lễ hội đã từng diễn ra ở đây trong quá khứ).
Chiếc thước cổ của người Chăm xưa
Chiếc thước cổ được đúc bằng đồng, hình dáng ở giữa dạng vuông (cạnh 6mm), 2 đầu hình tròn thon dần, có kích thước chiều dài 19,5cm. Cả 4 mặt đều được khắc vạch giống như dấu khắc trên cây thước mộc của người Việt xưa. Vạch chính giữa (tâm) cách đều 9,7cm từ hai đầu. Khoảng cách từ vạch trung tâm đến 2 ô khắc vạch bên là 3,2cm. Từ ô khắc vạch bên trái và bên phải ra đến hai đầu là 5,3cm và 5,4cm. Niên đại của cây thước ở trong khoảng thế kỷ thứ 8.
Số đo 19,5cm trên cây thước cổ của người Chăm xưa tương đối nhỏ so với cây thước ta (thước mộc 0,425m) và thước thợ may (0,645m). Trong bài “Hệ thống thước đo thời Nguyễn” của Nhà nghiên cứu PHAN THANH HẢI thì có 3 loại thước: thước đo vải (0,6-0,65m), thước đo đất (0,47m), thước mộc (0,28-0,5m).
Đưa cây thước cổ cho một số nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm và nhiều người Chăm thông thạo về xây dựng, cũng như nghe và xem nhiều nguồn tài liệu ghi chép trong dân gian và lấy ý kiến của một số vị Sư cả có nhiều hiểu biết về đơn vị đo lường xưa của người Chăm nhưng không ai biết về cây thước này. Họ chỉ biết cách đo lường trong dân gian vốn tồn tại từ lâu đời trong đời sống xã hội và áp dụng nó trong việc xây dựng nhà cửa, đo đất, làm thủy lợi và trong tang ma.
Cách đo dân gian của người Chăm
Dưới đây là một số cách đo dân gian của người Chăm :
Trong sách “Lễ nghi cuộc đời của người Chăm Ahiér”, ông SỬ VĂN NGỌC1 – Nhà nghiên cứu về văn hóa Chăm ở Ninh Thuận cho biết :
+ Yam (bước chân) = 1m;
+ Tapa (sãi tay) = 1,5m;
+ Cagam (gang tay) = 29cm;
+ Kaong el (bắp tay – từ cùi chỏ đến khuỷu tay) = 30cm;
+ Kapuak njam (cẳng tay – từ cùi chỏ đến nắm tay) = 40cm; …
Trong Từ điển Chăm-Việt của GS. TS BÙI KHÁNH THẾ 2 cho biết: Người Chăm dùng sãi tay để đo nhà cửa; dung bước chân để đo đất làm nhà; dùng gang tay để đo làm nhà cửa, đền đài và tâm linh (và tùy từng trường hợp cụ thể mà dùng một gang tay tính từ đầu ngón cái đến các ngón khác trong bàn tay). Ông QUA ĐÌNH LANG3 – Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong cũng cho biết thêm về một số đơn vị đo lường cơ bản trong dân gian Chăm giống tương tự như Nhà nghiên cứu GS.TS BÙI KHÁNH THẾ.
Nhìn ảnh chụp và độ dài thật của cây thước cổ, ông QUA ĐÌNH LANG và một số các vị Sư cả nhận xét rằng: theo cách đo lường xưa, một gang tay = độ dài cây thước cổ = 19,5cm. Rất có thể đây là cây thước cổ lạ nhất của tổ tiên người Chăm mà họ chỉ dùng trong kiến trúc đền tháp mà ông và nhiều người mới lần đầu được nhìn thấy.
Nghiên cứu của các nhà khoa học về đơn vị đo lường của người Chăm xưa chủ yếu là sử dụng khoảng cách của các bộ phận trên cơ thể con người để ứng dụng trong những trường hợp và môi trường cụ thể. Khi nghiên cứu về các công trình kiến trúc Chăm từ Mỹ Sơn4 đến các tỉnh miền Trung cho đến Ninh Thuận, Bình Thuận – kể cả các nhà khoa học nước ngoài thì người ta cũng chỉ nói về niên đại, phong cách nghệ thuật và mô tả vẻ đẹp của kiến trúc; nhưng về thước đo trong kiến trúc thì chưa hề có phát hiện loại thước này và tuyệt nhiên chưa nghe nói đến dụng cụ đo lường là cây thước và cách đo như thế nào.
Giá trị việc phát hiện cây thước cổ
Do vậy! phát hiện này có giá trị cả về mặt lịch sử văn hóa và kỹ thuật vô cùng quý hiếm, giải mã được nhiều câu hỏi của quá khứ – nhất là về đơn vị đo lường xưa của người Chăm khi xây dựng đền tháp, tỉ lệ khoảng cách giữa các tháp trong nhóm, giữa các tầng tháp, vòm cuốn tầng trên, tầng dưới, hệ thống cửa giả bao quanh, … Phát hiện này mang tầm quan trọng lớn về mặt khảo cổ, và nó có khả năng cung cấp nhiều thông tin về phương tiện, cách đo lường của người Chăm xưa mà các nhà khoa học đang tìm kiếm.
Những thông tin về cây thước cổ phát hiện ở tháp Pô Dam đã được chúng tôi gửi đến Hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 (tháng 9/2020) do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức tại Hải Phòng, giúp đưa đến Hội nghị phát hiện mới về di vật quý hiếm của nền văn hóa Chăm.
Trong thời gian gần đây, TS. NGUYỄN KHÁNH TRUNG KIÊN5 ở Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) cho biết thêm: khi khai quật ở Khu di tích văn hóa Óc Eo, người ta cũng đã phát hiện cây thước cổ có hình dáng như cây thước cổ của người Chăm ở tháp Pô Dam, nhưng chiều dài của nó chỉ có 12cm và bằng chất liệu gang.
Quá trình nghiên cứu, theo chúng tôi thì cây thước cổ được phát hiện mới đây chính là dụng cụ đo đạc trong việc xây tháp Pô Dam; và cũng rất có thể! đây chính là dụng cụ đo đạc của người Chăm xưa khi xây dựng các đền tháp Chăm khác. Vì cây thước đồng có dấu vết được đúc hàng loạt và sẽ được làm dụng cụ đo lường ở nhiều nơi trong Vương quốc Chămpa xưa. Do độ dài của cây thước chỉ là 19,5cm nên sẽ gây khó khăn khi đo những công trình có kích thước lớn. Có thể người Chăm xưa sẽ dùng một loại thước đo được phóng lớn lên khoảng 5 lần của cây thước cổ lên trên một thanh gỗ khác để tiện dụng hơn khi đo – như vậy cây thước mới sẽ có độ dài khoảng 97,5cm (# 1m). Hoặc có thể lấy cây thước tâm linh này làm cơ sở xuất phát để nhân lên những vật thể khác lớn hơn khi đo đạc – nhưng vẫn giữ được các cung phong thủy, giúp phân định các khoảng tốt hay xấu – giúp người sử dụng biết được kích thước thế nào là đẹp mà cần nên sử dụng và kích thước nào là xấu cần nên tránh. Việc phát hiện cây thước cổ ở tháp Pô Dam có thể giúp giải đáp bí ẩn hàng nhiều thế kỷ về đơn vị đo lường của người Chăm xưa.
CHÚ THÍCH
1: SỬ VĂN NGỌC (1941, làng Thất Thế, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận – hiện đang sống tại làng Vĩnh Thuận, xã Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), bút danh là Jaya Amil Apuei, là người đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian của đồng bào Chăm, Raglai khu vực Nam Trung Bộ.
Ông vốn là một y tá người Chăm, rồi tự học chữ Chăm, chữ Raglai và chuyển qua làm việc, nghiên cứu tại Trung tâm Văn hóa Chăm (1994-2004) với thành quả gần 20 đầu sách biên khảo, biên dịch đã đạt nhiều Giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Ông là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Dân tộc học Việt Nam. Ông có công đã thống nhất lịch Chăm ở hai tỉnh (Ninh Thuận, Bình Thuận) và trực tiếp điều hành việc xây dựng 7 căn nhà ở Khu Nhà truyền thống dân tộc Chăm tại Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam.
2: BÙI KHÁNH THẾ (1936, Bình Định – hiện đang sống tại Q.3, TPHCM), là Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ học. Ông giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (trước năm 1975), dạy ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (sau năm 1975). Ông là Trưởng Khoa Khoa Đông Phương, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam. Ông là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ & Tin học (hiện nay).
3: Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km (toạ độ: 15°46′B – 108°07′Đ, gần Thành cổ Trà Kiệu), bao gồm nhiều đền đài, tháp Chăm Pa nằm trong một thung lũng rộng 142ha (đường kính khoảng 2 km) được bao quanh bởi đồi núi. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này – đặc biệt quan trọng – tại Việt Nam. Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO (năm 1999) chọn là một trong các di sản thế giới (tiêu chuẩn C) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới – là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.
MỜI XEM CHI TIẾT: Thánh địa Mỹ Sơn.
4: NGUYỄN KHÁNH TRUNG KIÊN là tiến sĩ Khảo cổ học, Viện phó Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện. Ông đã thực hiện luận án “Các loại hình xưởng chế tác đá thời tiền sử ở Đông Nam Bộ” (năm 2017); công trình nhằm nghiên cứu tính chuyên môn hoá, quy trình sản xuất, các loại hình sản phẩm và vai trò của các xưởng chế tác đá, …; hệ thống hoá tư liệu các di tích và di vật thuộc loại hình xưởng chế tác đá thời tiền sử ở Đông Nam Bộ, …
GHI CHÚ :
◊ Các chữ nghiêng, chữ in, chú giải do BAN BIÊN TẬP – hochanhkientruc.art – thiết lập.
MỜI XEM :
◊ Tháp Po Dam.
◊ Các HỆ ĐƠN VỊ ĐO kích thước Việt Nam cổ xưa – Phần 1.
◊ Các HỆ ĐƠN VỊ ĐO kích thước Việt Nam cổ xưa – Phần 2.
BAN BIÊN TẬP
hochanhkientruc.art
10 /2022